“Chúng ta sẽ luôn làm theo cách này”.
Đây là 8 từ nguy hiểm nhất được thốt ra từ một tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nhà quản lý vẫn sử dụng để tránh khỏi miệng lưỡi của nhiều nhân viên. Vì sao? Đó là do sự thay đổi mang lại nhiều rủi ro và sự sợ hãi. Nhiều người trong chúng ta thích làm những việc mà bản thân biết rõ, hơn là cố gắng tìm hiểu cái mới và làm chủ nó để làm việc có năng suất hơn. Chẳng phải chúng ta luôn cảm thấy thoải mái và an toàn khi mọi chuyện luôn nằm trong dự đoán sao? Vì vậy, bài viết này xin chia sẻ 4 lời khuyên giúp bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi việc phải thay đổi và hướng dẫn đội ngũ nhân viên của mình bước ra khỏi vòng tròn an toàn, cải thiện năng lực bản thân và có đột phá mới trong công việc.
1. Thay đổi là một điều tốt vậy tại sao bạn lại sợ nó?
Chúng ta sợ thay đổi vì cảm thấy yên tâm trong vòng tròn an toàn của mình
Thay đổi chính là một phần của việc tăng trưởng một cách bình thường và lành mạnh trong kinh doanh. Tuy nhiên, ta thường hay chối bỏ sự thay đổi vì nó buộc ta phải từ bỏ một thứ gì đó vốn đã quen thuộc. Vốn dĩ trong vô thức, ta luôn có một sự thiên vị đối với những thú đã tồn tại từ lâu, theo như một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Tâm lý xã hội.
Còn một lý do khác nữa là, theo Rosabeth Moss Kanter – Giám đốc của tổ chức Havard Avanced Leadership Initiative cho rằng, người ta thường sợ sự thay đổi là vì thiếu tự chủ, không tự tin về bản thân và lo ngại khả năng thích ứng với cái mới.
2. 4 bí kíp "vàng" giúp bạn đối phó với chứng sợ hãi liên quan đến sự thay đổi của bản thân
Dạ dày của bạn sẽ quắn quéo lại ngay khi nhìn thấy sự thay đổi đầu tiên trong quá trình. Đó là một phản ứng bình thường và dễ hiểu của con người. Nhưng sức đề kháng đó không mang lại hiệu quả hay lợi ích nào. Bây giờ chúng ta đã hiểu được lý do tại sao bạn lại sợ hãi sự thay đổi. Vậy thì hãy cùng nhau đi sâu vào những cách mà bạn có thể học để đối phó với chứng sợ hãi của mình để bạn – một nhà quản lý – có thể truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên chấp nhận những thay đổi này.
a. Ý thức được thay đổi là điều không thể tránh khỏi
Thay đổi chính là lẽ bình thường của tự nhiên
Thay đổi vốn là một điều bình thường của tự nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đó là điều không thể tránh khỏi. Mọi quá trình của sự việc luôn được chỉnh sửa, cải tiến và tối ưu liên tục.
Bạn đừng giữ quan niệm rằng chỉ có một cách duy nhất để đạt được điều gì đó. Một khi bạn đã xóa bỏ quan niệm này thì bạn sẽ mở rộng tầm nhìn, khám phá ra được các phương pháp và chuyển sự chú ý của bạn đến điều quan trọng nhất – chính là mục tiêu cuối cùng cần đạt được.
Những người làm được điều này có thể “điều chỉnh, thích ứng và tiếp tục hành động; bởi vì tất cả những gì họ quan tâm chính là đạt được kết quả cuối cùng mà họ đã đặt ra”, Kris Gage, một nhà quản lý phần mềm và cũng là nhà văn đã viết trong một bài đăng trên Medium.
Vì vậy, bạn hãy hít thở sâu và chấp nhận thực tế rằng, thay đổi là một điều khó tránh khỏi. Bạn sẽ không bao giờ có thể xây dựng một quy trình hoạt động tốt mãi mãi. Chúng được tạo ra để được điều chỉnh, tinh gọn, cải tiến theo thời gian. Bạn càng sớm chấp nhận thực tế này thì bạn càng cảm thấy ít căng thẳng khi đến lúc phải thay đổi.
b. Hiểu rõ quy trình làm việc hiện tại
Bạn có rất nhiều công việc mỗi ngày. Bạn đang giải quyết xung đột nội bộ trong nhóm, giám sát các chiến lược lớn, viết các báo cáo quan trọng v.v.. Điều đó có nghĩa là bạn đang làm công việc của mình và có thể đang tạo một khoảng cách giữa bản thân và nhân viên của mình.
Bạn càng ít tương tác với hoạt động hàng ngày của nhóm, không nắm rõ quy trình làm việc thì sẽ làm bạn tăng thêm sự lo lắng về cách triển khai sự thay đổi quy trình.
Vì vậy, bạn cần nắm rõ quy trình làm việc của nhóm hiện tại bằng một số cách sau đây:
- Thiết lập một vài “cái bóng công việc” cho chính mình
Vì dụ, bạn đang quản lý một nhóm marketing. Hãy dành một vài giờ làm việc cùng với nhóm copywriting và làm điều tương tự với nhóm designer. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ được quy trình làm việc của mỗi nhóm.
- Có những cuộc trò chuyện trung thực
Khi có cơ hội, bạn hãy tổ chức một buổi nói chuyện với các nhân viên trong nhóm, báo cáo về những gì đang hoạt động và những gì không hiệu quả. Nếu có bất kỳ điều gì không rõ ràng, hãy yêu cầu làm cho rõ. Nó sẽ giúp các nhân viên đánh giá cao sự đầu tư và quan tâm của người lãnh đạo.
- Sử dụng một hệ thống quản lý công việc
Nếu bạn chưa có một hệ thống quản lý dự án nào trong công việc thì bạn nên tạo ra và sử dụng nó. Nó sẽ giúp bạn có thể xem chi tiết các công việc cụ thể đang diễn ra trong nhóm.
Nói một cách đơn giản thì bạn càng hiểu rõ một quy trình, bạn càng hiểu rõ vấn đề ở đâu và các thay đổi có thể giúp giải quyết chúng như thế nào.
c. Thiết lập một con số thành công
Thiết lập mục tiêu cụ thể để theo dõi hiệu quả của sự thay đổi
Mặc dù thay đổi là điều đáng sợ nhưng bạn có thể yên tâm là nó mang đến sự tiến bộ. Tuy nhiên, nếu bạn không phác thảo được hình dáng của sự thành công thì sẽ không có bất kỳ sự tiến bộ nào xảy ra.
Vì vậy, trước khi bạn thực hiện sự thay đổi quy trình, hãy xác định mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường sự thay đổi đó. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn, khẳng định thêm lý do tại sao thay đổi là điều cần thiết và nó cũng cung cấp một số liệu xác định sự thành công của bạn.
Nếu trong quá trình thực hiện thay đổi mà kết quả đang không đúng với mục tiêu đề ra thì bạn có thể điều chỉnh lại hướng khác sao cho hiệu quả hơn.
d. Tạo ra kế hoạch dự phòng
Có một điều sẽ giúp bạn đối mặt với những sự thay đổi một cách tự tin hơn, đó là tạo ra kế hoạch dự phòng.
Không phải tất cả các thay đổi đều cho ra kết quả tốt đẹp. Cho nên bạn sẽ cảm thấy an ủi và yên tâm hơn nếu biết rằng vẫn có một đường lui nếu sự thay đổi đó mang lại thất bại.
Khi bạn xem sự thay đổi là một thứ bạn sẽ thử nghiệm – thay vì là cái gì đó cần phải thay đổi vĩnh viễn công việc bạn đang làm – thì nó sẽ trở nên ít đáng sợ hơn.
Trên đây là 4 cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của sự thay đổi. Hãy luôn nhớ rằng, bạn cảm thấy lo lắng khi thay đổi điều gì đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng đừng để sự lo lắng đó làm tê liệt khả năng của bạn. Để thành công và phát triển bản thân hơn, bạn không thể luôn hài lòng với những gì bạn đã và đang làm.